Tiêu cực và tai nạn Giao_thông_Hà_Nội

Ùn tắc giao thông tại ngã tư Hà Nội, 2011

Trong nội ô, các con phố của Hà Nội thường xuyên ùn tắc do cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp kém, lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn – đặc biệt là xe máy –, và ý thức chưa tốt của các cư dân thành phố [2]. Lại thêm khâu xử lý vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông hiện nay chưa nghiêm, việc quản lý nhà nước và tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, luôn thay đổi tùy tiện [2][3]. Giáo sư Seymour Papert – nhà khoa học máy tính từ Viện Công nghệ Massachusetts bị tai nạn ở Hà Nội vào cuối năm 2006 – đã miêu tả giao thông của thành phố như một ví dụ minh họa cho giả thuyết về "hành vi hợp trội", phương thức mà các đám đông, tuân theo các nguyên tắc đơn giản và không cần sự lãnh đạo, tạo ra các vận động và hệ thống phức tạp [4]. Trên những đường phố Hà Nội, vỉa hè thường bị chiếm dụng khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Trong những năm gần đây, Hà Nội chỉ phát triển thêm 5 tới 10 km đường mỗi năm [5]. Nhiều trục đường của thành phố thiết kế chưa khoa học, không đồng bộ và hệ thống đèn giao thông ở một vài điểm cũng thiếu hợp lý. Thêm nữa, hiện tượng ngập úng mỗi khi mưa lớn cũng gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Trong thập niên 2000, hệ thống xe buýt – loại hình phương tiện giao thông công cộng duy nhất – của thành phố có phát triển mạnh, nhưng phần đông người dân vẫn sử dụng các phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy.

Quản lý và tổ chức giao thông

Theo quy hoạch giao thông Hà Nội được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2008, chi phí cho phần phát triển đường bộ lên tới 100.000 tỷ đồng. Ba tuyến đường vành đai, 30 tuyến đường trục chính cùng nhiều tuyến phố sẽ được xây dựng mới hoặc cải tạo lại [5]. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng dự báo tới năm 2015, thành phố Hà Nội sẽ hết tình trạng ùn tắc giao thông [6].

Đã có nhiều ý kiến phê phán khâu xử lý vi phạm giao thông của cảnh sát giao thông hiện nay chưa nghiêm, việc quản lý nhà nước và tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, luôn thay đổi tùy tiện, tạo bất ngờ và gây khó cho người dân, hiệu quả không những không cao mà còn rất lãng phí [2][3].

Tai nạn giao thông

Trong 11 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 533 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt làm 531 người chết và 144 người bị thương [7]. Năm 2012 Hà Nội xảy ra 777 vụ tai nạn giao thông, làm 619 người chết, 397 người bị thương [8].

Ý thức người dân

Ý thức giao thông của người dân Hà Nội còn kém, còn nhiều cảnh giao thông hỗn loạn tại các ngã tư, vượt rào chắn...[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giao_thông_Hà_Nội http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161125-ha-noi-va-noi-n... http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Het-bi... http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/giao-thong-ha-... http://dantri.com.vn/xa-hoi/giao-thong-ha-noi-qua-... http://www.nhandan.com.vn/xahoi/giao-thong/item/42... http://tramoc.com.vn/ http://hanoi.gov.vn/html/portlet/vcmsviewcontent/p... http://sogtvt.hanoi.gov.vn http://www.sggp.org.vn/doisonghanoi/2008/7/160205/ http://vnn.vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2006/12/642...